Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

tphcm: không dùng ngân sách để bình ổn thị trường

(DĐDN) - Trong năm 2013, TPHCM không còn cho doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường vay vốn ngân sách lãi suất 0% như những năm trước, TP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các DN kết nối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để có những gói hỗ trợ về lãi suất vay ngắn hạn 6%/năm, trung và dài hạn 10%/năm, để DN chủ động hơn trong việc đầu tư chuồng trại, con giống, công nghệ, hàng hóa cung ứng cho thị trường.

 
 
Đại diện ngân hàng và DN ký kết hợp đồng vay vốn trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TPHCM
 
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nêu ra Tại Hội nghị Tổng kết chương trình bình ổn thị trường năm 2012-Tết Quý Tỵ 2013 và triển khai nhiệm vụ chương trình bình ổn thị trường năm 2013-Tết Giáp Ngọ 2014, vừa diễn ra tại TPHCM.
 
TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường trong năm 2013-2014, số lượng DN tham gia chương trình năm 2013 tăng lên 64 DN, so với 48 DN của năm 2012, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-4-2013 đến 31-3-2014. Chỉ có nhóm mặt hàng sữa có 2 DN cũ tham gia, các nhóm hàng còn lại số lượng DN tham gia đều tăng so với trước. Giá bán hàng bình ổn thấp hơn thị trường 5%-10%, riêng mặt hàng khai trường thấp hơn 15%.

Theo đó, chương trình lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm 9 nhóm mặt hàng gồm gạo, đường, dầu ăn,thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến,rau củ quả, thủy hải sản chế biến và tươi sống có 36 DN tham gia; dược phẩm có 13 DN tham gia; mặt hàng tập vở học sinh, cặp-balô-túi xách, đồng phục học sinh có 13 DN, sẽ được triển khai thực hiện cả năm (trước đây 6 tháng), nhưng do tính mùa vụ sẽ được bán cao điểm từ 1-5 đến 31-10-2013.

Ngoài hệ thống siêu thị lớn như Saigon Co.op, Satra, VinatexMart, hàng bình ổn sẽ tiếp tục đưa vào 5 hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM. Các DN tham phải cam kết cung ứng đúng số lượng hàng hóa đã đăng ký, bán đúng giá, tăng tần suất bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn đến tận khu dân cư, người lao động, đặc biệt ở các khu vực ngoại thành, khu chế xuất -khu công nghiệp…

Nguồn vốn thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, sữa, thuốc và sản phẩm phục vụ mùa khai trương trong năm 2013, tết 2014 của TPHCM sẽ không lấy từ ngân sách Nhà nước mà từ nguồn vốn "rẻ" của các ngân hàng.
 
Cụ thể, 5 ngân hàng thương mại là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cam kết dùng 1.960 tỉ đồng cho 59 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia các chương trình bình ổn thị trường vay ngắn, trung và dài hạn.
 
Trong đó, 5 ngân hàng cho vay 860 tỉ đồng trong 12 tháng để doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa cung ứng trên thị trường xuyên suốt trong năm 2013, tết 2014. Lãi suất áp dụng cho khoản vay này là 6%/năm.
Số còn lại, 1.100 tỉ đồng được cam kết cho doanh nghiệp vay để đầu tư dự án sản xuất, chăn nuôi với lãi suất 10%/năm. UBND TPHCM và các sở ban ngành thực hiện sẽ kết nối các doanh nghiệp và các ngân hàng tham gia chương trình, để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vay được vốn với lãi suất phù hợp.
 
Như vậy, so với các chương trình bình ổn thị trường đã được TPHCM thực hiện từ nhiều năm trước, chương trình năm nay đã có điểm khác biệt . Trước đây, vốn cho các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa, tổ chức sản xuất kinh doanh và đầu tư trong năm được lấy từ ngân sách Nhà nước và lãi suất bằng 0%, thì nay doanh nghiệp vay từ các ngân hàng với lãi suất thấp.
 
Thu Hiền

Nguồn: dddn.com.vn