Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

trồng cây ngọt, nếm vị đắng !

(DĐDN) - Một câu chuyện đắng lòng vừa xảy ra đối với một số hộ dân xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) khi họ quyết định đốt đồng mía trong giai đoạn chờ thu hoạch. Đốt mía, đồng nghĩa với việc đốt thành quả lao động, tiền bạc và công sức do mình bỏ ra. Một cách phản ứng đầy tiêu cực nhưng cũng cho thấy sự bế tắc cùng cực của người dân nơi đây rộng hơn là của ngành mía đường.

Đốt mía, đồng nghĩa với việc đốt thành quả lao động, tiền bạc và công sức do mình bỏ ra

Bởi lý do mà 11 hộ dân ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa đốt cánh đồng mía 1,6 h là do nhà máy đường Phổ Phong thuộc Cty CP Đường Quảng Ngãi chậm thu mua nguyên liệu, đồng mía bị chết khô, chuột cắn phá nhiều nên họ đã đốt để giải phóng đất trồng cây hoa màu khác.

Ông Trương Văn Lệ - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết, từ đầu vụ mía đến nay, toàn xã xảy ra 5 vụ cháy vùng nguyên liệu mía trên địa bàn xã với tổng diện tích hơn 7 ha (tương đương khoảng 700 tấn mía), trong đó có 3 vụ cháy do người dân bất cẩn. Sở dĩ có tình trạng này là do việc thu mua mía của nhà máy còn nhiều bất cập, mỗi ngày chỉ cấp một phiếu thu hoạch (chỉ khoảng 15 tấn mía) đã gây nhiều bức xúc cho người dân vì chờ đợi quá lâu.

Việc các nhà máy đường chậm thu mua nguyên liệu đến thời kỳ thu hoạch dường như là một hệ quả tất yếu. Bởi theo thống kê của Hiệp hội mía đường VN, đến ngày 17/2, tồn kho tại các nhà máy đường là 322.250 tấn (kể cả đường thô), các Cty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 19.175 tấn. Như vậy, lượng đường tồn kho đến thời điểm trên là gần 350 ngàn tấn. Đây là lượng tồn kho rất lớn, bởi từ đầu vụ mía đến giữa tháng 2, các nhà máy đường đã ép được 8.870.847 tấn mía, sản xuất 767.842 tấn. Bên cạnh đó năm 2013 dự báo nhu cầu sử dụng đường cho sản xuất thực phẩm sẽ giảm mạnh, khoảng 15 - 20% so với năm trước.

Trong bối cảnh dư thừa đường như vậy, việc  Bộ Công Thương vừa cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường là 73.500 tấn trong năm 2013, cao hơn năm 2012 (70.000 tấn) chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, khiến ngành mía đường khó chồng khó.

Thực ra ngay ngay từ cuối năm 2012, Hiệp hội Mía đường VN đã nhìn thấy trước nguy cơ này và đã kiến nghị Chính phủ có những giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng mía và các nhà máy sản xuất đường. Thế nhưng, đến nay, các Bộ, ngành vẫn còn chưa đưa ra những giải pháp tháo gỡ.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng có các biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu qua biên giới vào VN. Bên cạnh đó, cần bổ sung đường ăn vào danh mục các mặt hàng cấm và tạm ngưng 'tạm nhập tái xuất'. Đối với đường thô và đường trắng tạm nhập để sản xuất đường tinh luyện xuất khẩu và chế biến hàng xuất khẩu phải quản lý chặt về lượng, thời điểm cho nhập, xuất để tránh ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước. Ngoài ra, Chính phủ nên cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường với số lượng hợp lý, bằng con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Khi các chính sách còn thiếu đồng bộ, khi các cơ quan quản lý còn thiếu sự phối hợp kịp thời thì rõ ràng những hậu quả nhãn tiền theo kiểu trồng quả ngọt, nếm trái đắng như những người dân ở Quảng Ngãi sẽ còn tái diễn.

Phan Nam

Nguồn: dddn.com.vn